Bước 1: Phân loại thực phẩm
Để có thể vệ sinh tủ lạnh, việc đầu tiên dĩ nhiên là cần dọn sạch tất cả thực phẩm, thức uống đang được cất giữ trong đó. Riêng với những thứ dễ hư khi để ở môi trường bình thường, hãy cất chúng trong một hộp mát được cách nhiệt hay hộp chứa những viên đá lạnh. Sau đó, hãy thẳng tay cho các món ăn quá cũ, những đồ gia vị hay sốt đã để “bỏ quên” trong tủ lạnh hơn 2 tháng. Cũng cần xem lại hạn sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm để chắc chắn rằng bạn không bỏ sót bất kì “kẻ gây ô nhiễm” nào. Với tủ lạnh, bạn nên tập một thói quen tốt, đó là kiểm tra các ngăn chứa vào ngày Chủ nhật và bỏ đi tất cả thức ăn đã hiện diện từ ngày thứ hai đầu tuần. Ngay cả với các món ăn mà bạn cảm thấy nghi ngờ đã bị ôi thiu thì cũng đừng “tiếc của” hay “ăn ráng ăn nốt” mà hãy thẳng tay cho vào thùng rác!
Bước 2: Vệ sinh tủ lạnh
Không nhất thiết phải dùng các sản phẩm tẩy rửa chuyên dụng để vệ sinh tủ lạnh mà có thể dùng bột giặt pha loãng với nước ấm. Dùng một mảnh khăn cotton lau sạch các vết dơ bên ngoài tủ lạnh theo hướng từ trên xuống. Đối với các khoang bên trong, bạn cũng dùng nước ấm pha bột giặt để làm sạch. Bạn nên thực hiện các thao tác nhẹ tay bởi phần thành tủ hay các ngăn chứa đều khá dễ bị trầy xước.
Riêng các kệ hoặc thùng chứa có thể gỡ ra khỏi tủ lạnh có thể vệ sinh bên ngoài để dễ dàng lau chùi những vết bẩn cứng đầu. Rửa và lau khô mọi thứ trước khi xếp lại. Nếu thuận tiện, hay lót dưới kệ & thùng miếng trải bằng nhựa hay miếng khăn giấy dày để hứng những giọt nước bị chảy. Việc này sẽ giúp bạn thoải mái hơn trong lần vệ sinh sau.
Lưu ý rằng quá trình vệ sinh tủ lạnh chỉ được bắt đầu khi bạn đã cách ly tủ lạnh khỏi nguồn điện nhé!
Bước 3: Tái cất giữ
Sau khi tủ lạnh đã sạch sẽ và khô ráo, hãy cắm điện trở lại và để tủ lạnh hoạt động trong khoảng 30 phút trước khi cho thức ăn vào. Trong thời gian chờ tủ lạnh tạo nhiệt độ cần thiết, bạn nên dùng khăn ẩm lau sạch những chiếc hộp đựng. Khi đặt vào lại, bạn cũng nên theo hướng dẫn sau: Gói thịt, gia cầm và hải sản thật kín để tránh “lây lan” mùi ra các thức ăn khác. Dùng các hộp nhỏ để đựng để trái cây, rau, thịt, phômai và để đúng các vị trí như hướng dẫn của nhà sản xuất Những thức ăn dễ hỏng như thịt, những sản phẩm chế biến từ sữa hay trứng nên để sâu vào bên trong vì nhiệt độ ở phía gần cửa tủ lạnh dễ bị biến động khi bạn đóng mở tủ lạnh.