Khó mà chợp mắt vì vừa hết cái thanh âm của chén đũa va vào nhau lách cách lại đến tiếng loa công an phường; đang mơ màng thì tiếng bước chân, rồi đồ vật rơi, tiếng xả nước ào ạt rõ mồn một...
Phố cổ, một đêm đông rét mướt cuối tháng 12. Ngõ 44 Hàng Buồm - một trong những con ngõ nhỏ hẹp thuộc dạng "top ten" phố cổ - phủ một màu tối đen như mực. Điểm sáng duy nhất là ánh sáng hắt ra từ tận sâu cuối con ngõ - khu vực bể nước tập thể.
Hết cái này lại đến cái kia
Trước khi đi ngủ, anh Hoàng Văn Xuân (một người dân trong ngõ) dẫn chúng tôi đi "tiền trạm" nhà vệ sinh và xem công tắc. Công tắc điện nằm ở ngay phía ngoài. Muốn đi vệ sinh phải bật công tắc điện ở ngoài này trước vì bên trong khu vực nhà vệ sinh rất tối. Đã thế, đường đi vào có một đoạn trần nhà chỉ cao chừng 1,3m, phải khom lưng chui vào.
Một cô gái gội đầu ở khu bể nước tập thể tại ngõ 15 Hàng Điếu. Dọc theo bờ tường là những máy giặt được để trong thùng, khóa lại cẩn thận bằng ổ khóa riêng.
"Thỉnh thoảng vợ chồng con cái nó lại về bên ngoại ngủ vì ở đây chật, bí bức quá", anh Xuân giải thích. Vợ anh Xuân đã về quê mấy tháng ngay sau ca phẫu thuật vì không thể leo lên leo xuống căn nhà chỉ với những mấu sắt cắm vào tường. Để có chỗ ngủ cho khách, con trai anh phải lánh sang nhà bạn. Một chủ nhà, hai khách. Bề ngang của nhà chỗ nằm ngủ chỉ vẻn vẹn đúng sáu ô gạch. Mỗi người chia nhau hai ô vuông. Nhà anh Xuân thật ra là một căn buồng nhỏ nằm lọt thỏm trên gác xép, dài chưa đến 3m, ngang 2,5m! Một phần của nhà cơi nới ngay trên lối đi tập thể. Phòng bên cạnh là nhà vợ chồng em trai anh. Tối nay gia đình người em về nhà ngoại ngủ.
Chúng tôi nằm thẳng đuột, chân quay ra vuông góc với lối đi lên nhà. Cái tĩnh lặng của đêm trong lòng phố cổ thỉnh thoảng lại bị xé nát bởi tiếng còi xe, tiếng động cơ chạy qua lại vọng xoáy vào tận trong nhà, âm âm xuống nền bêtông nơi chúng tôi nằm.
Khi chúng tôi đang thiu thiu thì tiếng dép lê dài loẹt quẹt, tiếng guốc lọc cọc, tiếng đồ vật chạm vào nhau lạch cạch, tiếng đóng mở hộc tủ gỗ phầm phập, tiếng cười nói chộn rộn xôn xao cả lối đi ngay phía dưới nhà.
Anh Xuân bảo: "Nhà chị Bảy bán xôi gà dọn hàng về đấy. Mùa đông bán xôi ế nên hơn 12g đêm mới dọn".
Khó mà chợp mắt đánh liền một giấc vì vừa hết cái thanh âm của chén đũa va vào nhau lách cách mãi một hồi lại đến tiếng loa công an phường nhắc nhở đám đông giải tán lao xao; đang mơ màng thì tiếng bước chân, tiếng đồ vật như là inox rơi xuống sàn nhà, tiếng xả nước ào ạt từ phía trên trần nhà dội xuống rõ mồn một.
Anh Xuân nói như "thuyết minh": "Đấy, người ta đang đi vệ sinh đấy. Nghe tiếng nước chảy là biết đàn ông hay đàn bà đi. Ở trên làm gì là ở dưới này nghe thấy hết".
Đang chập chờn, chúng tôi lại mở choàng mắt khi nghe tiếng giày vọng lên phía dưới nhà. "Anh Thái làm nghề lái xe ở trên gác hai mới đi làm về đấy. Vậy là tầm một rưỡi, hai giờ sáng rồi", anh Xuân cho hay.
"Ở đây một là lăn ra ngủ như chết thì mới ngủ được. Tôi bao nhiêu năm nay chả đêm nào ngủ no giấc. Một đêm dậy 2-3 lần. Cứ nằm một chốc lại nghe tiếng chân loạt xoạt, lạch cạch thế này đố ngủ được", anh Xuân vừa nói vừa ngáp dài, mắt díu lại. Dường như ở cái ngõ này chỉ cần nghe tiếng bước chân anh đã biết là ai và lúc đó là mấy giờ.
Tầm 3h sáng, tiếng lục cục, lạch cạch mở thứ gì đó như là nắp gỗ, rồi tiếng múc nước, rồi tiếng mẹ anh Xuân khàn khàn gọi vọng lên gác xép: "Xuân ơi, mở khóa nước bơm không sáng ra lại hết nước đấy". Cụ đã hơn 80 tuổi, nằm ngủ ở căn buồng dưới trệt. Anh Xuân lại lọ mọ bật dậy leo xuống dưới...
Đủ thứ mùi vị
Trằn trọc mãi không ngủ được, thấy ánh sáng nhấp nháy, mở mắt ra tôi thấy anh Xuân đang... bật tivi, tắt hết tiếng. Nhìn đôi mắt anh trĩu xuống rõ mệt mỏi. Đã 3h25 sáng.
Mới diu díu mắt được một lát, chúng tôi lại bị đánh thức khi nghe tiếng dép đi loẹt xoẹt, tiếng bước chân gấp gáp phía dưới đường đi. "5h, 5h30 rồi đấy. Nhà chị Hoan đi chợ lấy hàng về làm bún chả trưa bán đấy", anh Xuân nói khi thấy chúng tôi trở mình.
Những âm thanh chộn rộn ngay dưới đường đi khiến chúng tôi không thể chợp mắt được nữa. Buổi sáng ở phố cổ bắt đầu từ rất sớm như thế.
Mùi than tổ ong quyện đặc làm khen khét cả không khí trong trẻo của sớm mai. Chúng tôi còn nhớ khi lần trước đến, vào buổi chiều, khu sinh hoạt tập thể này vốn đã nhỏ hẹp lại càng trở nên chật chội mỗi khi chiều đến. Người đi làm, đi học về, các chị lo việc nấu nướng... tất cả dồn vào con ngõ nhỏ. Ở góc cầu thang dẫn lên những hộ gia đình trên gác này, 4-5 bếp than tổ ong đỏ rực lửa. Người luộc rau, người thì luộc trứng, rán cá, kho thịt... chen chúc nhau ở cái khoảng không chưa đến 2m2.
Dưới khu bể nước, thau chậu, rổ rá bày la liệt. Các bà các chị nhặt rau, làm cá, thái thịt, vo gạo... cứ người này đứng lên là người kia bước vào. Nền nhà nhớp nháp ướt rượt. Mùi tanh tanh của thực phẩm tươi sống quyện vào mùi khen khét của gần chục bếp than tổ ong cùng hàng tá thanh âm hỗn độn, những bước chân vội vã... tạo nên một thứ không gian rất lạ, rất riêng của chiều trong lòng phố cổ.
Dù sao ở đây mỗi nhà đã có nhà tắm riêng cũng không còn cảnh chờ đợi đánh răng, rửa mặt mỗi sáng như khu tập thể đường sắt 15 Hàng Điếu. Ở đó, chờ đợi được coi như nguyên tắc trong sinh hoạt hằng ngày.
Ông Phạm Đức Ninh, một người dân ở tầng hai, cho biết: "Tầm 6-7h sáng, mọi người ngồi thành dãy múc nước đánh răng, đi vệ sinh, giặt giũ. Mọi nhà đến giờ cơm nước đều vo gạo, rửa rau, làm cá... cũng ở sân tập thể này. 10-11h trưa mọi người lại tập trung nấu nướng. Đông nhất là tầm 4-5h chiều. Hãi nhất là mùi bếp than, bếp dầu và mùi thức ăn lùa vào".
Điều đặc biệt nữa là các nhà ở đây đều... không có giường. Họ ngủ trên chiếu trải trên nền đất.
Ở đây chỉ có hai hộ trên gác hai làm được nhà vệ sinh khép kín trong nhà do có cống nước sẵn. 19 hộ còn lại dùng chung hai nhà vệ sinh tự hoại từ thời Pháp. "Nói là hố xí tự hoại nhưng không có chế độ tự động mà phải giội nước. Có người không ý thức, giội bẩn hoặc chả thèm giội. Trước chỉ có một cái, sau thấy nhà để đi tiểu rộng quá, cải tạo thành một hố xí ngồi xổm. Giờ không thể cải tạo vì nhà này đã 100 năm, đục vào tường sợ sập mất", ông Ninh cho hay.
Khu tập thể có 70 con người nhưng chỉ có một nhà tắm công cộng. Bà Vũ Thị Thân, một người dân, cho biết: "Có người tắm lâu người tắm nhanh. Có người đợi lâu quá vừa bỏ vào, ra thì bị người khác xí mất. Thế là cãi cọ. Mùa đông lạnh muốn mắc bình nóng lạnh cũng không được. Chả lẽ mỗi nhà một bình nhưng chỗ đâu mà để hết. Mùa hè nóng nực quá cũng muốn tắm sớm, thế là các bà phải rủ nhau... tắm chung cho tiết kiệm thời gian. Có khi phải đến 12h đêm mới được tắm. Ở phố cổ khổ thế đấy...".
Mời bạn tham khảo thêm về dịch vụ sua binh nong lanh tai nha của trung tâm chúng tôi.