Đóng tiền “khủng” xây nhà vệ sinh “xịn”
Mấy ngày nay, phụ huynh học sinh Trường THCS Colette (quận 3, TP.HCM) đang bức xúc vì nhà trường đề nghị xây 6 nhà vệ sinh thông minh cho học sinh với giá dự toán khoảng 2 tỷ đồng. Chị H.T (quận 3) - một phụ huynh có con học tại trường này, thắc mắc: “Mới đây trên tờ báo ngành của Sở GDĐT TP.HCM (báo Giáo dục TP.HCM - PV) tôi thấy có bài viết về Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) vừa xây dựng hệ thống nhà vệ sinh thông minh với 7 nhà vệ sinh, khoảng 140 bồn cầu chỉ có giá trị xây dựng hơn 610 triệu đồng. Trong khi đó, Trường Colette chỉ cải tạo và xây mới 6 nhà vệ sinh sao lại tới 2 tỷ đồng?”.
Trường THCS Collette nơi đặt ra những khoản thu ngoài quy định.
Một phụ huynh khác cũng có con học trường này cho biết: “Không chỉ có khoản đóng góp để xây nhà vệ sinh (400.000 đồng/em). Chúng tôi còn phải đóng hàng chục khoản tiền khác như: Quỹ trường (500.000 đồng); Quỹ lớp (600.000 đồng); Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tự nguyện (gần 400.000 đồng); Đồng phục trường (250.000 đồng/bộ); Balo trường (270.000 đồng/cái)… Riêng khoản quần áo và balo không mua bên ngoài được vì không có logo trường”.
Mang những thắc mắc của phụ huynh phản ánh tới lãnh đạo trường, ông Lê Kim Giang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Về việc xây nhà vệ sinh cho học sinh, chúng tôi chờ đến ngày họp phụ huynh sắp tới sẽ lấy ý kiến. Nếu phụ huynh đồng thuận 100% sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND và Phòng GDĐT quận 3, nếu không đồng thuận hết sẽ không làm.
Tương tự, tại Trường THCS Lý Phong (quận 5) ngoài các khoản phí khác phụ huynh cũng phải đóng 200.000 đồng sửa chữa nhà vệ sinh. Theo giải thích của bà Trần Thị Thu Ngân - Hiệu trưởng nhà trường thì: “Riêng khoản thu sửa chữa nhà vệ sinh 200.000 đồng là đề xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh”.
Không chỉ sửa chữa điều hòa , nhà vệ sinh, nhiều phụ huynh phản ánh họ đã phải rút ví để đóng số tiền lớn cho việc... bảo trì điều hòa cũ.
Phụ huynh N.T.H có con học tại Trường THCS L.Q.Đ (Hà Nội) bức xúc kể với PV câu chuyện về buổi họp phụ huynh đầu năm học của con mình. Chị H cho biết, ngoài các khoản đóng góp thường niên thì cô giáo chủ nhiệm còn thông báo cần thu 17 triệu đồng để bảo dưỡng 2 chiếc điều hòa cũ mà lớp trước để lại. “Ai cũng thừa biết là số tiền 17 triệu đồng đủ để mua 2 chiếc điều hòa mới với chất lượng ổn, nhưng chỉ có 15/55 phụ huynh dám giơ tay phản đối số tiền bảo dưỡng điều hòa vô lý này vì sợ con mình bị liệt vào danh sách “đen” – chị H nói.
Phụ huynh Nguyễn Thu Phương (Đông Anh, Hà Nội) cho biết con chị mới 3 tuổi, học trường mầm non cũng phải nộp kha khá tiền cho cái... điều hòa được thừa hưởng từ các lớp trước để lại. “Xung quanh cái điều hòa cũ chúng tôi còn phải “tự nguyện” ủng hộ thêm tiền lắp đường điện 3 pha mới để điều hòa chạy, tiền bảo dưỡng, sửa chữa hàng năm trong khi mỗi cái điều hòa đều có hạn bảo hành miễn phí từ nhà sản xuất...” – chị Phương bức xúc.
Tương tự, phụ huynh có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11, TP. Hồ Chí Minh) cũng phản ánh họ phải đóng khoảng 3 – 5 triệu đồng đầu năm học, trong đó nặng nhất là số tiền mua điều hòa.
Trường làng cũng thu 21 khoản phí
Trong danh sách mà phụ huynh Trần Thị P có con học tại Trường Tiểu học xã Hữu Văn, Chương Mỹ, Hà Nội gửi phóng viên NTNN có 21 khoản phí đã thu từ đợt hè đến trước năm học mới. Cụ thể các khoản thu gồm: Tiền học hè 600.000 đồng/2 tháng; tiền học tiếng Anh liên kết 450.000 đồng/ 9 tháng; tiền học lớp chất lượng cao (sử dụng máy chiếu màn hình) 450.000 đồng/9 tháng; tiền ghế đá 20.000 đồng/học sinh; đồng phục 260.000 đồng/2 bộ; tiền học 2 buổi/ngày là 900.000 đồng/9 tháng; tiền quản lý ngoài giờ 900.000 đồng/9 tháng; quỹ phụ huynh 50.000 đồng; quỹ lớp 100.000 đồng; quỹ hoạt động đội 135.000 đồng/9 tháng; giấy viết chữ đẹp 10.000 đồng; giấy vệ sinh, thuê dọn vệ sinh 30.000 đồng; mua bổ sung đồ dùng tủ sách 25.000 đồng; ủng hộ tu bổ cơ sở vật chất 15.000 đồng... chưa kể tiền ăn bán trú và bảo hiểm.
Chị P thở dài: “Nhìn cái danh sách mà tôi thực sự “sốc”, chi phí cho một cháu đã lên tới gần 5 triệu đồng, trong khi tôi có hai con đang theo học trong trường. Hai vợ chồng chỉ làm thuê làm mướn lấy đâu gần chục triệu đóng cho con bây giờ?”.
Trong khi đó, phụ huynh Trần Quang T có con học lớp 4 trường này thắc mắc: “Các khoản như ghế đá, đồng phục, quản lý ngoài giờ là hoàn toàn tự nguyện sao không cho chúng tôi... tự nguyện đóng. Còn các khoản như: Mua giấy vệ sinh + thuê người dọn vệ sinh, ủng hộ cơ sở vật chất, tủ sách... chẳng phải thuộc nguồn chi ngân sách nhà nước hỗ trợ sao?”.
Anh T cũng cho biết thêm, trong cuộc họp cha mẹ đầu năm, giáo viên đã dùng 2 loại biên bản khác nhau, mọi thắc mắc của phụ huynh cuối cùng vẫn được đưa vào thực hiện và nhận được câu trả lời là: “Tất cả các khoản thu đều để phục vụ con em các anh chị (?)”. Nguồn danviet
Mời bạn xem thêm tin tức tại đây