Tại sao cần bảo dưỡng bình nóng lạnh định kỳ?
Đảm bảo an toàn
Bình nóng lạnh không được bảo dưỡng đều đặn có thể bị rò rỉ điện, tiềm ẩn nguy cơ điện giật cho người sử dụng. Kiểm tra và bảo dưỡng bình nóng lạnh định kỳ giúp phát hiện và khắc phục các sự cố điện trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn và gây hại cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, cặn bẩn tích tụ trong bình có thể làm giảm hiệu suất và gây quá nhiệt, tăng nguy cơ cháy nổ. Bảo dưỡng định kỳ giúp loại bỏ cặn bẩn và đảm bảo thiết bị hoạt động ở mức nhiệt độ an toàn.
Tăng tuổi thọ của thiết bị
Thanh Magie (anode rod) trong bình nóng lạnh có tác dụng chống ăn mòn. Qua thời gian, thanh này sẽ bị hao mòn và cần được thay thế. Quá trình bảo dưỡng giúp kiểm tra và thay thanh Magie kịp thời, ngăn chặn sự gia tăng tốc độ ăn mòn của bình.
Cải thiện hiệu suất hoạt động
Cặn bẩn và các chất lắng đọng trong bình làm giảm khả năng truyền nhiệt của điện trở, khiến bình nóng lạnh phải hoạt động nhiều hơn để làm nóng nước, dẫn đến sử dụng điện năng hơn mức cần thiết. Vệ sinh định kỳ giúp tăng hiệu suất gia nhiệt, tiết kiệm điện năng, đảm bảo cung cấp nước nóng ổn định hơn, giúp cải thiện trải nghiệm sử dụng.
Tiết kiệm chi phí
Bảo dưỡng bình nóng lạnh giúp thiết bị hoạt động hiệu quả hơn, giảm lượng điện tiêu thụ và do đó, giảm chi phí hóa đơn điện. Ngoài ra, khi bảo dưỡng định kỳ, bạn sẽ có thể phát hiện sớm các vấn đề phát sinh, từ đó thực hiện biện pháp xử lý kịp thời, giúp ngăn chặn những hỏng hóc nghiêm trọng và tránh được chi phí sửa chữa tốn kém hoặc thậm chí phải thay mới bình nóng lạnh.
Bảo vệ môi trường
Bình nóng lạnh hoạt động hiệu quả sẽ giảm lượng cặn bẩn và chất lắng đọng xả thải ra môi trường, giúp giảm thiểu ô nhiễm. Bên cạnh đó, thiết bị hoạt động hiệu quả hơn sẽ tiêu thụ ít năng lượng hơn, giảm lượng khí thải carbon và bảo vệ môi trường.
Đảm bảo chất lượng nước
Cặn bẩn tích tụ trong bình có thể làm ô nhiễm nước nóng, gây ra mùi khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Vệ sinh định kỳ giúp chất lượng nước nóng luôn đảm bảo sạch sẽ và an toàn.
Lưu ý an toàn
Nước nóng
Nước bên trong bình nóng lạnh rất nóng. Nước trên 49°C sẽ gây bỏng và hầu hết các bình nóng lạnh đều được đặt ở mức nhiệt độ cao hơn mức đó khoảng 6-12°C. Khi thực hiện bảo dưỡng bình nóng lạnh, cần tránh chạm trực tiếp vào nước trong bình, cần để nước nguội rồi xả. Tương tự, nếu bề mặt bình chứa có nhiệt độ cao, bạn không nên chạm vào ngay mà hãy đợi nó nguội đi rồi bắt đầu thực hiện kiểm tra và vệ sinh.
Rủi ro về sức khỏe
Bình nóng lạnh bị trục trặc, chẳng hạn như khi nước không đủ nóng hoặc có cặn tích tụ, sẽ là nơi sinh sản của vi khuẩn và khiến người dùng bị bệnh liên quan đến da hoặc dạ dày.
Đồ vật xung quanh bình nóng lạnh
Hướng dẫn lắp đặt và sử dụng bình nóng lạnh sẽ liệt kê những đồ vật có thể hoặc không thể đặt xung quanh khu vực gần bình nóng lạnh, đặc biệt với các vật liệu dễ cháy nổ thì càng không được đặt gần bình nóng lạnh.
Bình nóng lạnh dùng gas
Nếu bạn sử dụng bình nóng lạnh chạy bằng gas, bạn sẽ cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn khi bảo dưỡng bình nóng lạnh. Bắt đầu bằng việc tắt đường cấp khí đốt hoặc đèn báo khi cần thiết và lắp đặt van an toàn tự động ngắt sẽ cắt dòng khí trong trường hợp khẩn cấp.
Carbon monoxide
Bình nóng lạnh dùng gas có thể rò rỉ carbon monoxide do bộ phận thông gió không đảm bảo hoặc lắp đặt không đúng cách. Carbon monoxide không mùi, không vị, không màu và cực kỳ nguy hiểm. Nó có thể gây ngộ độc hoặc tử vong với nồng độ nhất định. Khi dùng bình nóng lạnh bằng gas, bạn nên lắp đặt thêm máy dò khí carbon monoxide trong nhà để đảm bảo an toàn.
Công việc cần thực hiện
Nếu bạn có đủ kiến thức và kỹ năng về các thiết bị điện nói chung và bình nóng lạnh nói riêng thì bạn hoàn toàn có thể tự kiểm tra và bảo dưỡng bình nóng lạnh của mình, tuy nhiên với những người ít kinh nghiệm hơn và lo ngại về vấn đề an toàn, bạn vẫn nên liên hệ tới các kỹ thuật viên sửa bình nóng lạnh tại nhà chuyên nghiệp để được hỗ trợ.
1. Thực hiện kiểm tra tổng thể hai tháng một lần hoặc hơn
Việc kiểm tra trực quan thường xuyên và kỹ lưỡng thường sẽ giúp bạn nắm được tình trạng của bình nóng lạnh. Đặc biệt, hãy kiểm tra những điểm sau:
- Rò rỉ trong đường ống hoặc đáy bình nóng lạnh
- Các miếng đệm cũ hoặc các kết nối/ốc vít bị lỏng cần siết chặt hoặc thay thế
- Dấu hiệu ăn mòn ở các bộ phận của bình nóng lạnh hoặc đường ống
2. Xả bình nóng lạnh một đến hai lần một năm
Xả nước và rửa bể sẽ giúp loại bỏ cặn tích tụ. Đây là một trong những công việc quan trọng nhất bạn có thể thực hiện để tăng tuổi thọ và hiệu quả của bình nóng lạnh.
3. Kiểm tra thanh cực dương
Thanh cực dương nằm bên trong bình nóng lạnh và giúp chống ăn mòn, hút các chất gỉ ra khỏi nước. Bộ phận này cần được thay thế từ ba đến năm năm một lần hoặc thường xuyên hơn nếu bạn nhận thấy tốc độ ăn mòn cao.
4. Kiểm tra van nhiệt độ và áp suất hàng năm
Van nhiệt độ và áp suất bị trục trặc có thể gây áp suất quá cao trong bình, dẫn đến các vấn đề lớn liên quan đến hiệu suất và thậm chí có thể khiến bình phát nổ. Hãy thay mới bộ phận này khi bạn nhận thấy có vấn đề xuất hiện.
5. Đảm bảo hệ thống thông gió hoạt động bình thường
Nếu bạn sử dụng bình nóng lạnh chạy bằng gas, hãy thường xuyên kiểm tra hệ thống thông gió. Xung quanh đường ống thông gió phải có nhiều không gian trống, đảm bảo đường ống không bị hư hỏng và đầu nối thông hơi được bịt kín đúng cách.
6. Kiểm tra cài đặt bộ điều chỉnh nhiệt
Bình nóng lạnh nên được đặt ở nhiệt độ trong khoảng từ 50°C đến 60°C. Nhiệt độ thấp hơn sẽ giúp tiết kiệm năng lượng hơn hoặc mức nhiệt càng cao thì hiệu quả làm sạch hoặc khử trùng sẽ càng cao. Tuy nhiên bạn không nên để nhiệt độ thấp hơn 50°C vì điều này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển hoặc cao hơn 60°C có thể gây bỏng.
7. Giảm cài đặt nhiệt độ khi không sử dụng
Một số bình nóng lạnh có “chế độ nghỉ” để giảm nhiệt độ cài đặt nếu bạn không sử dụng thiết bị trong một thời gian nhằm giúp tiết kiệm năng lượng. Để bật chế độ này, bạn cần điều chỉnh bộ điều chỉnh nhiệt đến điểm nhiệt độ thấp hơn, tuy nhiên, bạn sẽ cần bật lại bình nóng lạnh khi muốn sử dụng.
Nguồn tham khảo: forbes.com